Hoàn cảnh Khởi_nghĩa_nông_dân_Đàng_Ngoài

Từ khi kết thúc chiến tranh phía nam với họ Nguyễn (xem Trịnh-Nguyễn phân tranh) và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc, các chúa Trịnh là Tây Định vương Trịnh Tạc và Định Nam vương Trịnh Căn ra sức củng cố chính quyền Bắc Hà. Đến chắt Trịnh Căn là Trịnh Cương tiếp tục xây dựng nền thịnh trị ở Đàng Ngoài.

Năm 1729, An Đô vương Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương. Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Giang phế bỏ vua Lê Duy Phường làm Hôn Đức công năm 1732 và sau đó giết chết, lập anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Không chỉ vua Lê, các đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vốn có uy tín với đời trước cũng bị giết hại. Giang tiêu dùng xa xỉ, vì thế thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Do đó nông dân Đàng Ngoài đồng loạt đứng lên khởi nghĩa.